"...Ga Đà Lạt được coi là biểu tượng kiến trúc của thành phố Đà Lạt. Công trình này là công trình kiến trúc cổ kính đẹp bậc nhất của thành phố Đà Lạt, và được coi là nhà ga xe lửa cổ đẹp nhất tại Việt Nam cũng như tại Đông Dương..."
8. Tháp Trầm Hương - biểu tượng kiến trúc của TP. Nha Trang
Tháp Trầm Hương là công trình kiến trúc biểu tượng của thành phố Nha Trang (Khánh Hoà). Đây là công trình mới xây dựng trong thời hiện đại, được cải tạo từ công trình dang dở có tên “Hoa biển” nhằm tạo lập hình ảnh biểu tượng cho thành phố. Công trình được hoàn thành năm 2008, nằm trên quảng trường 2/4 ở bên bờ biển Nha Trang. Tháp Trầm Hương hiện còn là điểm trưng bày nhiều hình ảnh, tác phẩm nghệ thuật về Nha Trang và tỉnh Khánh Hoà, cũng cung cấp thông tin, giới thiệu các sản vật của địa phương. Phần đỉnh tháp là một không gian tâm linh, điện thờ các anh hùng liệt sỹ. Tuy là công trình mới xây dựng, chưa có bề dày về lịch sử song Tháp Trầm Hương đã là một hình ảnh quen thuộc đối với du khách khi đến du lịch tại thành phố Nha Trang.
Có thể bạn quan tâm: Vé máy bay đi Nha Trang hè 2016.
9. Tháp nước Phan Thiết - biểu tượng kiến trúc của TP. Phan Thiết
Tháp nước Phan Thiết công trình kiến trúc biểu tượng của thành phố Phan Thiết (Bình Thuận). Công trình này nằm bên dòng sông Cà Tỵ chảy qua thành phố, được khởi công xây dựng từ năm 1928 tới năm 1934 thì hoàn thành, do kiến trúc sư hoàng thân Xuphanuvông (Lào) thiết kế. Nguyên vật liệu của công trình này là bê tông và gạch, cao 32 mét. Phần trụ đế của công trình có nhiều ô cửa rỗng trang trí hình chữ triện; trên phần thân có những chữ "U.E.PT" (viết tắt của "Usine Des Eaux de Phan Thiet" có nghĩa là “Nhà máy nước Phan Thiết”) được trang trí bằng nhiều mảnh sành sứ ghép lại theo lối viết chữ hình tròn bao quanh tháp nước; đỉnh của công trình là 3 tầng mái ngói. Có lẽ vì đặc điểm kiến trúc vươn cao nên công trình này cũng được sử dụng như một cột cờ.
10. Ga Đà Lạt - biểu tượng kiến trúc của TP. Đà Lạt
Ga Đà Lạt được coi là công trình kiến trúc biểu tượng của thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng). Ga Đà Lạt được xây dựng từ năm 1932 và được hoàn thành năm 1938, công trình này nằm trong kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt. Đây là nhà ga xe lửa duy nhất trong khu vực Tây Nguyên. Là một trong những công trình kiến trúc cổ kính đẹp bậc nhất của thành phố ngàn hoa Đà Lạt, và là nhà ga xe lửa cổ đẹp nhất Việt Nam cũng như Đông Dương. Với kiến trúc đậm tính bản địa, mô phỏng ba đỉnh của núi Lang Biang và những mái nhà rông ở Tây Nguyên, Ga Đà Lạt được công nhận là di tích lịch sử - kiến trúc Quốc gia vào ngày 28/12/2001.
Có thể bạn quan tâm: Vé máy bay đi Đà Lạt và giá vé máy bay các chặng bay khác tại dulichdaiduong.vn.
11. Quảng trường Đại Đoàn Kết - biểu tượng kiến trúc của TP. Pleiku
Quảng trường Đại Đoàn Kết là biểu tượng kiến trúc của thành phố Pleiku (Gia Lai), rộng đến 12 héc ta với 205 ô cỏ, công trình này được khởi công xây dựng từ tháng 10/2010 và đưa vào hoạt động vào cuối năm 2012. Điểm nhấn của quảng trường chính là tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” bằng đồng cao đến 10,8m, đứng trên bệ đá cao 4,5m - đâylà bức tượng Bác Hồ cao nhất Việt Nam. Phía sau bức tượng là dãy phù điêu bằng đá uốn cong cong với những hình ảnh được chạm khắc tinh tế, tỉ mỉ về cuộc sống sinh hoạt, sản xuất và chiến đấu của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Quanh quảng trường Đại Đoàn Kết có nhiều công trình văn hoá khác như Bảo tàng Gia Lai, Bảo tàng cổ vật, và Bảo tàng Hồ Chí Minh…Đây là điểm sinh hoạt chính trị, văn hoá của người dân thành phố và cũng là một điểm đến hàng đầu của du khách khi đặt chân tới Pleiku.
12. Nhà thờ gỗ Kon Tum - biểu tượng kiến trúc của TP. Kon Tum
Nhà thờ gỗ Kon Tum (còn có tên gọi chính thức là “Nhà thờ chính toà Kon Tum”) là công trình kiến trúc biểu tượng của thành phố Kon Tum (thuộc tỉnh Kon Tum). Đây là nhà thờ giáo hội Công giáo, được khởi công xây dựng vào năm 1913 do các linh mục Pháp khởi xướng. Hiện nay, nhà thờ gỗ đã được dùng làm nhà thờ chính toà - nơi đặt ngai của giám mục Giáo phận Kon Tum. Công trình này mang phong cách kiến trúc cổ điển kết hợp với kiến trúc nhà sàn của người Ba Na - một sự kết hợp hoàn hảo giữa phong cách châu Âu và nét văn hóa của Tây Nguyên. Nhà thờ được xây dựng thủ công với chất liệu là gỗ bản địa, trong đó chiếm số lượng nhiều nhất là gỗ cà chít.
13. Nhà lồng chợ cổ Cần Thơ - biểu tượng kiến trúc của TP. Cần Thơ
Nhà lồng chợ cổ Cần Thơ là công trình kiến trúc biểu tượng của thành phố Cần Thơ, nằm ở bên bến Ninh Kiều. Đây là kiến trúc chính của chợ Cần Thơ xưa kia, còn gọi là chợ Nam Kỳ lục tỉnh vì đây là đầu mối buôn bán theo đường sông nước trong vùng tây Nam Bộ. Chợ Cần Thơ được xây dựng từ năm 1915, cùng thời với chợ Bến Thành và chợ Bình Tây ở Sài Gòn, đây được coi là ngôi chợ đẹp nhất của đồng bằng sông Cửu Long. Kiến trúc chợ vừa hiện đại lại vừa cổ kính, với hệ mái ngói lớn, nhiều lớp. Trải qua thời gian, công trình bị hư hại nhiều và đến năm 2005 được trùng tu, trở thành một điểm du lịch hấp dẫn với nhiều nhà hàng ăn uống và quầy bán đặc sản, quầy hàng mỹ nghệ truyền thống, đồ lưu niệm.
14. Chợ Bến Thành - biểu tượng kiến trúc của TP. Hồ Chí Minh
Chợ Bến Thành tuy không là biểu tượng chính thức về mặt hành chính, nhưng từ lâu đã là biểu tượng của thành phố trong tâm thức người dân Sài Gòn. Đây là ngôi chợ lớn nằm ở ngay quận 1 - trung tâm thành phố. Cửa chính của chợ là Cửa Nam, cũng là hình ảnh đại diện chợ Bến Thành. Chợ Bến Thành được xây bằng kết cấu bê tông cốt thép cho hệ khung mái, có tường gạch bao quanh. Trước kia mái chợ được lợp ngói, hiện giờ lợp tôn. Nhiều sạp hàng trong chợ truyền nối qua nhiều đời, thậm chí có những sạp hàng gần bằng tuổi chợ. Trong hơn 100 năm qua, chợ Bến Thành đã trở thành một biểu tượng của thành phố đầu tàu về kinh tế, phồn hoa, năng động và phát triển.
Xem thêm: 14 biểu tượng kiến trúc của các thành phố du lịch tại Việt Nam (P.1)
Đã đăng lúc : 01/04/2016