Khuê Văn Các, Cầu Hàm Rồng, Quảng Bình Quan,... đều là những biểu tượng kiến trúc được nhiều người biết và nhớ đến khi đến những điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam.
1. Khuê Văn Các - biểu tượng kiến trúc của TP. Hà Nội
Khuê Văn Các có nghĩa là “gác vẻ đẹp của sao Khuê” được coi là công trình biểu tượng của thành phố Hà Nội, nằm trong quần thể di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám. Khuê Văn Các được xây dựng năm 1805 dưới thời vua Gia Long của nhà Nguyễn. Đây là một công trình nhỏ nhưng lại có kiến trúc đặc sắc và giá trị nhân văn to lớn. Vật liệu xây dựng Khuê Văn Các là gỗ và gạch, mang phong cách kiến trúc của triều Nguyễn. Cùng quần thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khuê Văn Các được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2012.
2. Nhà hát lớn Hải Phòng - biểu tượng kiến trúc của TP. Hải Phòng
Nhà hát lớn Hải Phòng là một công trình kiến trúc tiêu biểu của Hải Phòng - thành phố cảng có tầm quan trọng lớn của miền đông bắc bộ. Công trình này nằm ở trung tâm thành phố, được bắt đầu xây dựng từ năm 1904 tới năm 1912. Kiến trúc mô phỏng theo phong cách nhà hát Paris, do một kiến trúc sư người Pháp thực hiện. Nguyên vật liệu xây dựng phần lớn được chở từ Pháp sang. Ngày nay, nhà hát lớn Hải Phòng và quảng trường trước nhà hát là một không gian sinh hoạt văn hoá, chính trị của thành phố Hải Phòng. Ngày 9/12/2015, Nhà hát lớn TP Hải Phòng được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp là di tích quốc gia.
Có thể bạn quan tâm: Vé máy bay đi Hải Phòng
3. Cầu Hàm Rồng - biểu tượng kiến trúc của TP.Thanh Hóa
Cầu Hàm Rồng đi qua sông Mã là công trình biểu tượng của thành phố và tỉnh Thanh Hoá. Cây cầu này được khởi công xây dựng năm 1962 và hoàn thành năm 1964; ngay sau khi cầu Hàm Rồng cũ do Pháp xây dựng năm 1904 bị phá huỷ do chiến tranh. Đây là cây cầu kết cấu thép dành cho cả đường bộ và có thêm đường sắt. Đây là chứng tích lịch sử oai hùng của quân dân Thanh Hoá trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hiện nay cầu Hàm Rồng là một di tích lịch sử và là điểm du lịch nổi tiếng tại thành phố Thanh Hoá.
4. Quảng Bình Quan - biểu tượng kiến trúc của TP. Đồng Hới
Quảng Bình Quan - công trình biểu tượng của thành phố Đồng Hới (thuộc tỉnh Quảng Bình) là một kiến trúc dạng cổng thuộc hệ thống luỹ Thầy do các chúa Nguyễn xây dựng từ năm 1639 để ngăn quân Trịnh tấn công từ phía bắc. Quảng Bình Quan là một chứng tích đau thương trong suốt thời đất nước chia cắt, chiến tranh Trịnh - Nguyễn kéo dài. Nhưng đây cũng là một trong những công trình có giá trị kiến trúc nghệ thuật cao. Sau nhiều lần bị phá hủy và xây lại trong chiến tranh chống Pháp - Mỹ, công trình Quảng Bình Quan đã được phục dựng năm 2005 theo kiến trúc cũ.
5. Ngọ Môn - biểu tượng kiến trúc của TP. Huế
Ngọ Môn là công trình biểu tượng của thành phố Huế (thuộc Tỉnh Thừa Thiên - Huế), Ngọ Môn chính là cổng vào phía nam của Hoàng thành trong Kinh thành Huế. Công trình này được xây dựng năm 1833 dưới triều vua Minh Mạng của nhà Nguyễn. Đây không chỉ là cổng Hoàng thành bình thường, mà còn là một lễ đài hướng về quảng trường rộng lớn ở phía trước. Đây là công trình có giá trị kiến trúc đặc sắc, độc đáo, thể hiện trình độ kỹ thuật xây dựng cao thời bấy giờ. Có thể nói là một kiệt tác, đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc cung đình Huế; và là biểu tượng của một kinh thành vàng son dưới vương triều phong kiến.
6. Cầu sông Hàn - biểu tượng kiến trúc của TP. Đà Nẵng
Cầu sông Hàn (hay còn gọi là cầu quay sông Hàn) là công trình kiến trúc biểu tượng của thành phố Đà Nẵng. Cây cầu này đánh dấu cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ và hội nhập của thành phố Đà Nẵng. Cầu Sông Hàn cũng mang sứ mệnh mở đường cho các cây cầu bắc qua sông Hàn trong thế kỷ 21 chứ không đơn thuần là kết nối đôi bờ đông – tây. Được khởi công năm 1998 và hoàn thành năm 2000, Cầu Sông Hàn là cây cầu quay đầu tiên do chính kỹ sư và công nhân Việt Nam thiết kế, thi công, cũng là cầu quay duy nhất ở Việt Nam hiện nay. Phần trụ cầu giữa sông có thể quay 90 độ song song theo phương dòng chảy để các tàu lớn qua lại.
Có thể bạn quan tâm: giá vé máy bay đi Đà Nẵng rẻ nhất hè 2016.
7. Chùa Cầu - biểu tượng kiến trúc của TP. Hội An
Chùa Cầu là công trình kiến trúc biểu tượng của thành phố Hội An (thuộc tỉnh Quảng Nam). Công trình này là một viên ngọc quý toả sáng lấp lánh trong hệ thống di sản kiến trúc cổ của Hội An. Chùa Cầu được khởi công xây dựng vào khoảng thế kỷ 17 dưới thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong và do thương nhân Nhật Bản góp tiền xây dựng. Vào năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu đến thăm Hội An và đặt tên cây cầu là Lai Viễn Kiều, mang ý nghĩa "Cầu đón khách phương xa". Kiến trúc của cây cầu mang tinh thần của Nhật Bản kết hợp với nhiều yếu tố truyền thống của Việt Nam. Ở giữa cầu có một ngôi chùa nhỏ áp vào biên cầu quay mặt ra sông Hoài. Tuy được gọi là chùa nhưng trong chùa này không có có tượng Phật mà lại thờ thần Bắc Đế Trấn Võ - một vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui hạnh phúc cho con người.
Xem thêm: 14 biểu tượng kiến trúc của các thành phố du lịch tại Việt Nam (P.2)
Đã đăng lúc : 01/04/2016