Rất nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng du lịch Yên Bái chỉ có Mù Cang Chải, tuy nhiên, sự thật sẽ khiến cho bạn bất ngờ, bởi ngoài Mù Cang Chải, Yên Bái còn có rất nhiều những địa điểm du lịch thú vị khác. Hãy tham khảo bài viết dưới đây của chúng tôi để biết thêm nhiều thông tin hữu ích về các địa điểm du lịch cũng như thắng cảnh ở Yên Bái nhé!
1. Ruộng bậc thang Mù Cang Chải - điểm đến nổi tiếng tại Yên Bái:
Mù Cang Chải là huyện vùng cao ở phía Tây của tỉnh Yên Bái, nằm giáp với Thị xã Nghĩa Lộ, Mường La và Than Uyên của tỉnh Lai Châu. Mù Cang Chải từ lâu nổi tiếng với khách du lịch bởi “đặc sản” ruộng bậc thang. Từ năm 2007, ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã được xếp hạng di tích danh thắng cấp quốc gia. Có hơn 700 ha ruộng, trong đó đến 50% tập trung ở 3 xã là La Pán Tẩn, Dế Xu Phình và Chế Cu Nha. Trải dài suốt đoạn đường từ đèo Khau Phạ đến trung tâm thị trấn, sự quyến rũ mê người từ màu xanh mướt hay vàng óng của những dãy núi trồng toàn lúa sẽ khiến bạn không thể cưỡng lại được .
2. Thác Pú Nhu - xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái:
Thác Pú Nhu nằm trong bản Pú Nhu, thuộc xã La Pán Tẩn của huyện Mù Cang Chải, nơi đây cách trung tâm huyện Mù Cang Chải chừng 10km về phía Tây. Ngọn thác này được bắt nguồn từ các con suối trên các cánh rừng đầu nguồn từ Than Uyên (tỉnh Lào Cai) đổ về, thác nước có độ cao cột nước khoảng 20 m và được chia thành nhiều bậc.
Nếu bạn ở miền Trung hoặc miền Nam, hãy mua vé máy bay đi Hà Nội để từ đây đi lên Yên Bái và ghé thăm những điểm du lịch tuyệt vời tại đây.
3. Thác Mơ - xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái:
Thác Mơ nằm ở giữa hai ngọn đồi Nả Háng A và Nả Háng B,thuộc địa phận xã Mồ Dề, huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái.Trong hành trình chinh phục thác Mơ có đến 7 điểm ấn tượng để bạn dừng chân, thưởng ngoạn phong cảnh. Từ quốc lộ 32, bạn đi bộ khoảng 30 phút là vào đến chân thác, tiếp tục đi từ đây bạn sẽ tới vị trí thác một tầng - nơi dòng nước chảy theo hình xoắn ốc. Để đến được điểm dừng chân có thác 4 tầng tiếp theo bạn cần tiếp tục đi bộ lên ngược theo dòng thác, đây cũng là nơi rất ấn tượng để bạn lưu lại những hình ảnh đẹp tựa tiên cảnh ở Thác Mơ.
4. Bản Lìm Mông - xã Cao Pạ, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái:
Bản Lìm Mông có một vẻ đẹp thơ mộng lạ thường, đặc biệt là vào mùa gặt. Vào mùa này, những đám mây nối đuôi nhau ngả màu hồng phớt nơi cuối chân trời. Đàn chim mải miết bay trên những cánh đồng óng ả, mênh mông của mùa gặt hái. Đàn chim sẻ rinh rích trên mái nhà, nơi có lúc lỉu những trái bí đỏ đã chín ửng. Từng cơn gió xào xạc tạo nên những sóng lúa vàng thoảng hương. Trẻ thơ í ới gọi nhau đưa trâu về nhà. Con đường nghiêng nghiêng bóng vai gầy của những cô gái người Mông địu con về bản. Tất cả đều tạo nên một khung cảnh yên bình khó quên.
5. Suối Giàng - huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái:
Xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái có độ cao 1.371 m so với mực nước biển, giấu mình trên dãy núi Phan Xi Phăng hùng vĩ. Suối Giàng là quê hương của loại chè Shan tuyết cổ thụ với hơn 300 hộ đồng bào dân tộc người Mông sinh sống. Khí hậu ở Suối Giàng quanh năm se lạnh, tựa như Sapa, Đà Lạt.Tại đây, bạn có thể thăm những cây chè cổ thụ trên trăm tuổi, đường kính lên tới 1 m, tự tay hái những búp chè xanh non cùng những thiếu nữ Hmông mến khách, hay đi dạo dưới rừng Pơ mu, phiêu du cùng thác Tập Lang rì rầm nước chảy.
6. Hồ Thác Bà - huyện Yên Bình và Lục Yên, tỉnh Yên Bái:
Hồ Thác Bà thuộc địa phận hai huyện Yên Bình và Lục Yên, có diện tích gần 23.500 ha với hơn 1.300 đảo lớn nhỏ cùng hệ thống hang động kì vĩ ẩn sâu trong lòng những dãy núi đá vôi. Đến đây, bạn có thể thắp một nén nhang tại đền Mẫu, cùng trút bỏ những tính toan bộn bề cuộc sống để cầu cho cõi lòng thanh thản nơi cửa Phật từ bi, sau đó tiếp tục cuộc hành trình khám phá vẻ đẹp kỳ ảo của Động Thuỷ Tiên, hang Bạch Xà, động Xuân Long, Thác Ông, Thác Bà...
7. Bản văn hóa Ngòi Tu - xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái:
Với những đặc trưng rất riêng, Ngòi Tu hấp dẫn du khách không chỉ bởi có một vị trí đẹp, một phần đất liền và phần còn lại tiếp giáp mặt hồ nước mênh mông mà còn bởi nơi đây hội tụ nhiều giá trị truyền thống, văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc người Dao, Cao Lan, Nùng, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao quần trắng.
8. Đèo Lũng Lô - xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái:
Trong kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta, một trong những con đường tiếp vận vũ khí đạn dược, lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ là qua đèo Lũng Lô. Vì vậy, Đèo Lũng Lô - cung đường huyền thoại đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận, xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2011 nhân dịp kỷ niệm 57 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
9. Di tích Căng và Đồn Nghĩa Lộ - huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái:
Mỗi khi nhắc tới lịch sử của Căng và Đồn Nghĩa Lộ là chúng ta đều nhớ tới địa danh Văn Chấn, cũng như nhắc tới lịch sử nơi này trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp những năm 40 của thế kỷ XX. Khu di tích lịch sử - văn hoá Căng và đồn Nghĩa Lộ sẽ gợi cho những ai đến thăm nhớ lại cuộc bạo động phá Căng của các chiến sĩ cộng sản chốn lao tù vào ngày 17/3/1945, và ghi nhận chiến công của quân và dân ta trong trận đánh Phân khu quân sự Nghĩa Lộ của thực dân Pháp năm 1952, trận đánh giải phóng Nghĩa Lộ, mở đường tiến vào giải phóng hoàn toàn vùng Tây Bắc.
10. Bản Hốc - xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái:
Đến với Bản Hốc, ngoài việc được khám phá những nét thú vị, đặc sắc của văn hoá người dân tộc Thái với những ngôi nhà sàn truyền thống, hay được tìm hiểu những nghề thủ công và thưởng thức những ly rượu men lá, rượu cần, cùng đắm mình trong điệu xoè say đắm, bạn còn được ngâm mình trong nước suối khoáng nóng tự nhiên có tác dụng rất tốt cho sức khoẻ và sau đó thử sức với những dãy núi đá vôi để khám phá hang Dơi, tham gia đốt lửa trại….
11. Chợ đá quý Lục Yên - thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái:
Chợ đá Lục Yên chỉ họp trong thời gian vài ba tiếng đồng hồ buổi sáng hàng ngày tại thị trấn Yên Thế, Lục Yên, Yên Bái. Các mặt hàng là các loại đá quý, đá bán quý các loại được bày lên mặt bàn thành từng mớ. Có mặt hàng đã qua chế tác, có mặt hàng còn để thô nguyên gốc. Nhưng dù ở dạng nào đi nữa, những mặt hàng được bán ở cái chợ này đều khoe sắc lung linh.
12. Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu - xã Nà Hẩu, huyện Văn yên, tỉnh Yên Bái:
Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu được bao bọc bởi những dãy núi cao. Địa hình ở đây rất đặc biệt, bị chia cắt mạnh tạo thành nhiều khe suối và các dòng hợp thủy. Độ cao trung bình của nơi này là từ 600 – 700m so với mặt biển. Nơi cao nhất là 1.788m, nơi thấp nhất là 200m. Nhiệt độ trung bình 23,2 độ C, lượng mưa trung bình 1.458,0 mm/năm, độ ẩm 85%. Những ngày có ít nắng, trời âm u, ở những nơi núi cao bị sương mù bao phủ cả ngày, độ ẩm không khí trong rừng là rất lớn. Với điều kiện khí hậu như vậy, nơi đây rất phù hợp cho sự sinh trưởng phát triển và khả năng tái sinh tự nhiên của rừng cây, thuận lợi cho nhiều loài thực, động vật phát triển đa dạng và phong phú và tạo nên cấu trúc rừng rậm, nhiều tầng tán, phù hợp với tính năng phòng hộ đầu nguồn.
13. Hồ Chóp Dù - xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái:
Tại xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái có một hồ nước vô cùng đẹp, thơ mộng và cũng rất yên tĩnh mang tên Hồ Chóp Dù. Đây là địa điểm thú vị để mọi người có thể khám phá thiên nhiên hay nghỉ ngơi, thư giãn, vui chơi, câu cá và tận hưởng bầu không khí trong lành, thưởng thức quang cảnh nguyên sơ nhưng đầy chất lãng mạn mà thiên nhiên ban tặng.
14. Chiến khu Vần - huyện Trấn Yên và Văn Chấn, tỉnh Yên Bái:
Chiến khu Vần nằm trong một vùng đất khá rộng, nằm ở phía Nam huyện Trấn Yên và phía Đông Nam huyện Văn Chấn. Vào trước năm 1945, Chiến khu Vần nằm trên địa bàn của 3 tổng là: Lương Ca, Giới Phiên va Đại Lịch, có cự ly dài từ Bắc xuống Nam là 23 cây số và từ Đông sang Tây 18 cây số. Căn cứ cách mạng kiểu chiến khu này có quy mô khá rộng trong đó có hai vùng quan trọng nhất là làng Vần và làng Đồng Yếng.
Có thể bạn quan tâm: Vé máy bay đi Điện Biên trong hè 2016.
15. Di tích đền Đại Cại - xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái:
Quần thể di tích đền Ðại Cại thuộc địa phận xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, nằm dưới chân núi Vua áo đen, bên phải là sông Chảy, trước mặt là suối Ðại Cại. Những vị thần được thờ ở đây đều là những người có công khai sơn lập thạch, mở mang chợ búa, lập ra làng bản, phố xá.
16. Tà Sì Láng - huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái:
Tà Sì Láng là một xã nhỏ thuộc huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Phía bắc giáp với Bản Mù, phía Tây giáp Phù Yên (tỉnh Sơn La), phía Đông và Nam giáp với huyện Văn Chấn. Người dân ở đây 100% là người H’Mong, sinh sống chủ yếu bằng nghề làm nương. Nằm trên địa hình hiểm trở trên độ cao gần 2000m, đường vào xã Tà Sì Láng cực kỳ khó khăn. Trước đây chỉ có đường dân sinh nhưng hiện nay cũng đã mở rộng lên đường lớn khoảng 4-5m, nhưng thường xuyên sạt lở và ách tắc vào mùa mưa bão.
17. Háng Tề Chơ – Làng Nhì - xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái:
Háng Tề Chơ (hay Háng Đề Chơ) là bản xa nhất thuộc xã Làng Nhì, Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Đây là một bản tập trung chỉ khoảng vài chục hộ dân người Mông Đen sinh sống, bản cũng sở hữu ngọn thác cùng tên Háng Tề Chơ - một trong những ngọn thác đẹp nhất Tây Bắc.
18. Chế Tạo - huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái:
Chế Tạo là một xã vùng cao của Mù Cang Chải giáp với Mường La của tỉnh Sơn La, Chế Tạo là một trong những điểm đến rất khó trong giới du lịch bụi. Cách trung tâm huyện khoảng 35 cây số nhưng khi chưa làm đường, phải mất đến nửa ngày mới có thể đi vào được đến trung tâm xã. Đây là điểm đến phù hợp với những nhóm bạn ưa phượt mạo hiểm, từ đây có đường nối sang xã Hua Trai rồi vòng về Mường La, đi ngược theo Quốc lộ 6 từ Sơn La về Hà Nội.
Xem thêm: Tổng hợp những điểm du lịch vàng vùng Tây Bắc
Đã đăng lúc : 06/04/2016